Công ty TNHH Thương Mại Nội Thất Hoàn Thiện

Danh mục sản phẩm

Công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội

19/01/2018 12:00:00 GTM+7

Chiều ngày 29/7/2011 tại Cung triển lãm Quy hoạch Quốc gia – Mỹ Đình – Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có cố gắng, nỗ lực trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng nêu rõ việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mới là kết quả bước đầu, nhưng để quy hoạch trở thành hiện thực, trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa, với quyết tâm cao hơn nữa.


Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần khẩn trương quán triệt Quy hoạch tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch; phối hợp với các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị, chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên toàn bộ địa bàn thành phố; quản lý việc đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng cần dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chỉ đạo, giám sát thực hiện Quy hoạch chung đã được phê duyệt và công tác quy hoạch nói chung trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố trong việc tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý phát triển đô thị.


Các Bộ, ngành theo chức năng chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo lĩnh vực trên địa bàn thành phố, phối hợp và hỗ trợ Ủy ban nhân dân thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, hỗ trợ Hà Nội thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác và phát huy thế mạnh của mình trong việc thực hiện Quy hoạch chung.


Thủ tướng mong muốn toàn thể nhân dân Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, góp phần thiết thực cùng các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp vì lợi ích của đất nước và nhân dân.



Đến dự buổi lễ công bố có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Hà Nội, Bộ Xây dựng cùng nhiều tổ chức, hội nghề nghiệp,…


Thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội về việc giao Chính phủ tổ chức, chỉ đạo nghiên cứu lập “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là QHC Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tuyển chọn tư vấn và triển khai lập Quy hoạch. Liên danh tư vấn quốc tế Perkin Eastmans – POSCO E & C- JINA đã được Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận là tư vấn chính (tại văn bản số 1585/TTg-KTN ngày 23/9/2008) cùng với hai tư vấn trong nước là Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị-Nông thôn (Bộ Xây dựng) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp nghiên cứu lập đồ án.


Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Phó trưởng ban thường trực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải làm Phó trưởng ban và các đại diện thuộc các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội.


Nội dung nghiên cứu và hồ sơ QHC Hà Nội đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và nhiệm vụ QHC Hà Nội được phê duyệt tại quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 22/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009) và những định hướng lớn của Quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008); Cập nhật các dự báo của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành liên quan như: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Thủy lợi, Giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, v.v…


QHC Hà Nội đã được thực hiện khẩn trương quyết liệt trong hơn hai năm, đã qua nhiều lần báo cáo và nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc Hội, Chính Phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước, Tư vấn phản biện quốc tế Worley Parsons (Úc) và Vùng Ile de France (Pháp); Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội; ác Bộ như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục đào tạo, Văn hóa thể thao và du lịch; các Hội nghề nghiệp như: Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa, Hiệp hội các Đô thị Việt Nam, Hội Môi trường xây dựng; ý kiến nhân dân thu được từ các phương tiên thông tin đại chung và tại 02 lần tổ chức triển lãm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình triển khai, phương pháp tiếp cận tổ chức nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch chung phù hợp nhu cầu phát triển thực tế của Thủ đô trước mắt cũng như lâu dài.



Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt QHC Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trên phạm vi toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Hà Nội, rộng hơn 3.344 km2.


Trong quá trình nghiên cứu lập QHC Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô đã được lấy làm cơ sở để xây dựng tầm nhìn của Thủ đô Hà Nội đến năm 2050: … là trung tâm chính trị – hành chính của Quốc gia; trung tâm lớn về văn hoá – khoa học – đào tạo – kinh tế, du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương; thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, nơi có môi trường sống, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao, một đô thị hiện đại, năng động và hiệu quả, xứng đáng là biểu trưng của cả nước.


Tư tưởng này thể hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững như: (1) Xây dựng cấu trúc đô thị phát triển bền vững; (2) Khai thác các giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, tiềm năng về tri thức – công nghệ và lịch sử văn hoá truyền thống; (3) Tăng cường hiệu quả sử dụng đất đai và có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường thân thiện… và các giải pháp xử lý, úng ngập, ách tắc giao thông nội đô, chậm tiến độ cải tạo các chung cư cũ, phố cổ…


Tầm nhìn của QHC Hà Nội hướng đến xây dựng và gìn giữ một Thủ đô chứa đựng những giá trị về cảnh quan tự nhiên với những dãy núi Ba Vì, Tam Đảo, Hương Sơn, những khoảng không gian xanh gắn với những vùng nông nghiệp trù phú và những làng nghề truyền thống, hệ thống các di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cùng hàng ngàn di sản khác, nơi ẩn chứa bề dày lịch sử 1000 năm văn hiến tạo ra một Hà Nội mang đặc trưng riêng mà khó thành phố nào có được. Thủ đô được xây dựng theo hướng là thành phố năng động và hiện đại với kết cấu hạ tầng tiên tiến, các khu đô thị đồng bộ hoàn chỉnh đi liền với xây dựng, duy trì và phát triển lối sống văn minh thanh lịch của người Hà Nội xưa và nay.


Quy mô dân số toàn thành phố đến năm 2020 đạt khoảng 7,3-7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 58-60%. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 9,0-9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65-68%. Đến năm 2050 dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70-80%. Tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn đến năm 2020 đạt khoảng 128.900 ha – chỉ tiêu khoảng 160 m2/người, đến năm 2030 đạt khoảng 159.600 ha – chỉ tiêu đạt khoảng 150m2/người.


Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên).


Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đây sẽ là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 Hà Nội đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 4,6 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha.


Theo quyết định của Thủ tướng, các trung tâm Chính trị – Hành chính quốc gia và Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển tại khu vực Ba Đình và Khu vực Hồ Gươm, cụ thể: Khu vực Ba Đình bố trí tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ và hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng. Tổ chức rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan Trung ương ra khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây và bố trí thêm trụ sở các cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ tại khu vực tây Hồ Tây; Khu vực xung quanh Hồ Gươm bố trí tập trung các trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ – ngành Trung uơng, thay thế bố trí trụ sở ngành của thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.


Các khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2) là khu bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội và khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ – thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại; và khu mở rộng phía bắc sông Hồng, nam sông Cà Lồ gồm 3 khu chính: Khu đô thị Long Biên – Gia Lâm – Yên Viên (phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1); khu đô thị Đông Anh (phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và của quốc gia, trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội và vui chơi giải trí của thành phố); khu đô thị Mê Linh – Đông Anh (phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh).


Khu vực hai bên sông Hồng sẽ trở thành trục không gian cảnh quan trung tâm của thủ đô, hình thành các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa. Dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên Bát Tràng, Thượng Cát … sẽ dành để phát triển cây xanh công viên kết nối với trục không gian cảnh quan Hồ Tây – Cổ Loa và hệ thống cây xanh cảnh quan của thành phố. Khu vực hai bên sông Hồng sẽ tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giảm quy mô, mật độ và tầng cao xây dựng, ưu tiên quỹ đất để tái định cư tại chỗ và xây dựng các công trình công cộng đô thị.


Không gian xanh và hệ thống sông hồ là hình ảnh đặc trưng của Thủ đô Hà Nội, bao gồm hành lang xanh và hệ thống cây xanh công viên đô thị (có vành đai xanh sông Nhuệ và các nêm xanh). Quy hoạch chung đã tăng cường hệ thống không gian xanh, công viên đô thị thông qua việc bảo vệ, cải tạo hệ thống sông hồ hiện có, nâng cao diện tích cây xanh thông qua cơ cấu lại quỹ đất từ các cơ sở công sở, công nghiệp, trường học, bệnh viện sau khi di dời. Bố trí các nêm xanh, các vành đai xanh để giới hạn các khu vực phát triển đô thị lan tỏa. Tăng chỉ tiêu cây xanh tại đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh đạt 12 – 15 m2/người. Ý tưởng hành lang xanh là ý tưởng rất quan trọng của QHC Hà Nội nhằm đảm bảo Thủ đô phát triển cân bằng và bền vững. Hành lang xanh còn được đưa ra để bảo tồn và tạo thế ổn định cho các vùng nông nghiệp – nông thôn, vùng đa dạng sinh học, di tích tôn giáo và hệ thống làng xóm, làng nghề, hệ thống sông hồ, mặt nước, hệ thống công viên cây xanh ven đô của Hà Nội…


Vành đai xanh dọc sông Nhuệ và các nêm xanh (kết nối sông Nhuệ với sông Đáy) tạo vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô với chuỗi khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4. Trong vành đai xanh sông Nhuệ và các nêm xanh, kiểm soát phát triển các làng xóm hiện hữu, xây dựng công trình công cộng quy mô nhỏ gắn với sinh thái cây xanh và mặt nước.


5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn được xác định rõ như sau: Đô thị Hòa Lạc (cửa ngõ phía tây Hà Nội) có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo; đến năm 2030 dân số đô thị khoảng 60 vạn người, đất xây dựng đô thị khoảng 18.000 ha. Sơn Tây (cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội) là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; đến năm 2030 phát triển từ 10 vạn người lên 18 vạn người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.000 – 4.200 ha. Xuân Mai (cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội) là đô thị dịch vụ – công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề; đến năm 2030 khoảng 22 vạn người, đất xây dựng đô thị khoảng 3.500 – 4.500 ha. Sóc Sơn (đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô) là đô thị phát triển về dịch vụ, khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh – Hà Nội – Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc; đến năm 2030 dân số đô thị khoảng từ 6,6 vạn người lên 25 vạn người, diện tích xây dựng đô thị khoảng 5.500 ha. Phú Xuyên – Phú Minh (đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội) là đô thị công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa; đến năm 2030 dân số đô thị khoảng từ 7,5 vạn người tăng lên khoảng 12,7 – 15,5 vạn người, diện tích xây dựng đô thị khoảng 2.500 – 3.000 ha.


Dự báo dân số đến năm 2030, tại 5 đô thị vệ tinh khoảng 1,3 – 1,4 triệu người, chiếm 14 % dân số toàn thành phố và 21% dân số đô thị. Các đô thị vệ tinh có chức năng tương đối độc lập tạo nên nhiều việc làm và hạ tầng xã hội đầy đủ để cư dân đô thị có thể sống và làm việc tại chỗ; đồng thời cũng sẽ chia sẻ chức năng với đô thị trung tâm nhằm phát huy lợi thế tiềm năng của Thủ đô rộng lớn và giảm bớt sự thu hút quá tải hiện nay về khu vực nội đô.


Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới.


Nông thôn Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình “Nông thôn mới”. Cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, mở rộng những tuyến đường liên thôn, xã; tái định cư tại chỗ cho dân cư những nơi bị giải tỏa mở rộng đường vào các vị trí phù hợp gần với làng xóm hiện hữu nơi hộ đang sống. Trong những trường hợp cụ thể có thể dồn điền đổi thửa, tăng diện tích trồng trọt chăn nuôi sản xuất. Quy hoạch điểm dân cư đảm bảo về hạ tầng xã hội, kỹ thuật; chỉnh trang các cụm dân cư gắn với các trung tâm dịch vụ sản xuất; Kiểm soát trật tự phát triển kiến trúc với quy hoạch nhà cửa thấp tầng, thống nhất kiến trúc: hiện đại, kế thừa truyền thống phù hợp với tập quán, không gian kiến trúc cảnh quan, làng xóm điển hình của Hà Nội. Tăng diện tích cây xanh, mặt nước. Cho phép người dân đô thị về sống ở nông thôn (nếu có nhu cầu). Kiểm soát hạn chế phát triển đất đai xây dựng trong các khu vực nông thôn và tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt tại các làng nghề.


Nâng cao đời sống của người dân nông thôn: Khuyến khích phát triển các trung tâm hỗ trợ sản xuất, cung cấp dịch vụ tiện ích công cộng, tiêu thụ sản phẩm và định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực nông thôn để đảm bảo sự phát triển hợp lý giữa đô thị và nông thôn. Người dân nông thôn sẽ có điều kiện tiếp cận với các tiện ích đô thị, hệ thống giao thông hiện đại của Thủ đô, được cung cấp nước sạch và xử lý các vấn đề môi trường như người dân đô thị. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái; tiến hành tổ chức lại sản xuất, quy hoạch vùng trồng rau sạch, cây ăn trái, trồng hoa, cây cảnh gắn nông nghiệp với làng nghề, thủ công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch.


Về định hướng phát triển nhà ở, đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30 m2 sàn/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25 m2/ người. Khu vực nội đô sẽ được cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Nhà ở trong đô thị trung tâm và đô thị lõi được cải tạo chỉnh trang theo các dạng sau: Nhà ở tự phát, nhà ở làng xóm đô thị hóa, nhà ở dân tự xây, nhà ở chung cư cũ…; kiểm soát phát triển các khu vực đặc thù trong khu vực hạn chế phát triển (4 quận nội thành cũ) như: Phố cổ, phố cũ, Hồ Tây, Hồ Gươm, Thành cổ…; kiểm soát gia tăng dân số trong 4 quận nội thành cũ; cải tạo, chỉnh trang các khu tập thể cũ được xây dựng từ thời bao cấp theo quy chuẩn và tiêu chuẩn ban hành mới về nhà ở đảm bảo diện tích sinh hoạt và vệ sinh môi trường, tăng diện tích cây xanh, giảm mật độ xây dựng, mật độ cư trú, kiểm soát phát triển về tầng cao, đáp ứng đầy đủ hạ tầng đô thị cho các khu tập thể cũ sau khi đã được nâng cấp cải tạo. Đối với nhà dân tự xây trong nội đô kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân được tham gia xây dựng, cải tạo nhà ở theo các hướng dẫn thiết kế đô thị mẫu; cải tạo nâng cấp hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, từng bước chỉnh trang các tuyến phố, các ngõ xóm… góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân và cải tạo mỹ quan chung đô thị.


Đối với khu phố cũ cần tiến hành kiểm kê, phân loại và đánh giá giá trị các công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng cải tạo. Không phá dỡ biệt thự và công trình có giá trị; không xây dựng xen cấy vào các khoảng không gian cây xanh. Đối với các khu di tích Thành cổ, di tích tôn giáo tín ngưỡng và di tích cách mạng, các di tích riêng lẻ… có quy định chặt chẽ các khu vực không được phép xây dựng, hạn chế xây dựng trong phạm vi bảo vệ di tích.


QHC Hà Nội xác định phải xây dựng hệ thống đại học, cao đẳng xứng tầm là trung tâm đào tạo lớn nhất cả nước với cơ sở đào tạo hiện đại. Vì vậy cần xây dựng mới các đô thị đại học, khu đại học tập trung, các trường riêng lẻ tại các đô thị vệ tinh của Hà Nội như: Hòa Lạc, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây, các thị trấn hoặc các đô thị khác trong vùng Hà Nội như: Bắc Ninh, Phủ Lý, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Yên… Trong 10 năm tới, dân từng bước đưa các trường trong danh mục phải di dời ra khỏi nội đô. Dự kiến, trên 40 vạn sinh viên di dời ra bên ngoài nội đô sẽ học tập, làm việc tại các cơ sở đào tạo hiện đại tại các đô thị vệ tinh và vùng xung quanh. Đối với các trường còn trong nội đô sẽ sử dụng theo hướng giảm thiểu mật độ xây dựng, tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ. Các trường phổ thông và mầm non sẽ được phân bố, sắp xếp thông qua dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng các cơ sở khu cụm công nghiệp, các trụ sở cơ quan…


Hệ thống y tế và mạng lưới bệnh viện tại Thủ đô hiện nay bị quá tải, chỉ đáp ứng 13 giường/1vạn dân, theo quy chuẩn cần đạt là 25 – 30 giường/1vạn dân. Dự kiến xây dựng mới trung tâm y tế theo mô hình nghiên cứu – đào tạo – khám chữa bệnh tại các khu phát triển mới như chuỗi đô thị dọc vành đai 4, khu vực Long Biên – Gia Lâm, Chúc Sơn hoặc các đô thị vệ tinh Mê Linh, Sóc Sơn, Hòa Lạc để phục vụ dân cư tại chỗ, thành phố và các tỉnh trong vùng. Đối với các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao sẽ được di chuyển ra khỏi nội đô. Đối với các bệnh viện cũ quá tải hiện nay trong nội đô, sẽ giảm tải theo lộ trình và xây dựng các cơ sở 2 theo quy hoạch. Nâng cấp cải tạo các bệnh viện cũ đảm bảo về chỉ tiêu giường bệnh, môi trường và cảnh quan cây xanh, nâng cấp các cơ sở y tế tuyến huyện.


Hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông, tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hạ Long, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5, Hà Nội – Ninh Bình – Thanh Hóa. Xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi – Phú Xuyên, Hà Đông – Xuân Mai, trục Hồ Tây – Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá – Quan Sơn, trục kinh tế Bắc – Nam, Miếu Môn – Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài – Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng. Đồng thời, xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng, 3 cầu qua sông Đuống, 2 cầu qua sông Đà.



Việc hình thành trục đường giao thông Hồ Tây – Ba Vì sẽ giải quyết được nhu cầu lưu thông giữa đô thị Hòa Lạc và đô thị trung tâm; kết nối 2 vùng cảnh quan lớn của Thủ đô là Hồ Tây và Hồ Đồng Mô – Ba Vì; hoàn thiện hệ thống đường hướng tâm, kết nối đô thị trung tâm với vùng phía Tây của thành phố, đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô; tăng cường thêm hệ thống các tuyến phòng thủ an ninh quốc phòng.


Để khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trong nội đô QHC Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ như: xây mới, mở rộng và nâng cấp hệ thống đường bộ; xây dựng hệ thống đường tầng trên vành đai 2 (nối cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở), vành đai 3 và các tuyến hướng tâm, nút giao thông khác cốt, giải quyết việc lưu thông nhanh ra các hướng ngoại ô và đường vành đai ngoài, xây dựng hệ thống đường sắt trên cao, trên mặt đất, dưới ngầm (metro). Tăng cường các điểm đỗ, điểm dừng cho các phương tiện (các bãi đỗ xe trên và dưới mặt đất). Ngoài ra, còn phải kiểm soát tăng dân số cơ học, các phương tiện tham gia giao thông cá nhân vàkế hoạch di dời các trụ sở làm việc, trường đại học, cơ sở y tế, công nghiệp ra ngoài nội đô. Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, có chế tài sử phạt đúng mức; phân luồng, phân tuyến, đặt biển báo hợp lý; hạn chế phương tiện cá nhân theo giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng trên cơ sở các lợi ích cần được tính toán phù hợp; tính phí phương tiện tham gia giao thông.


Để đảm bảo yêu cầu thoát nước mưa, không bị ảnh hưởng của lũ lụt và các tác động bất lợi của thiên nhiên. Khống chế cao độ nền của từng đô thị theo quy chuẩn hiện hành, các quy hoạch đã được duyệt và hài hoà với các khu vực đã xây dựng liền kề. Thoát nước mặt đô thị phù hợp với quy hoạch tiêu thuỷ lợi 3 lưu vực chính Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Thoát nước theo địa hình tự nhiên là chính, củng cố phát triển các trạm bơm tiêu và hệ thống hồ điều hòa, khai thông, mở rộng, nạo vét các sông tiêu chính như: sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Hang, kênh La Khê, kênh Vân Đình, sông Hoàng Giang – Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ. Tổ chức kè tất cả các đoạn sông xung yếu đã được cảnh báo, các đoạn sông đi qua lòng đô thị để tránh sạt lở ỏ mức cao nhất, tạo mỹ quan và tránh lấn chiếm.


Đảm bảo phòng chống lũ theo các quy hoạch đã được duyệt, đề xuất chống lũ ngang khu vực Chương Mỹ, nâng cấp 02 hồ chứa Đồng Sương và Văn Sơn, xây dựng tuyến mương hở phía Tây đường Hồ Chí Minh để gom lũ bảo đảm nước không tràn vào đô thị.


Cấp nước sạch tiết kiệm, hiệu quả, tăng tỷ lệ tái sử dụng nước công nghiệp, sinh hoạt, công cộng. Bảo vệ và khai thác sử dụng hợp lý các nguồn nước mặt sông Đà, sông Đuống và sông Hồng, dần thay thế sử dụng nước ngầm. Nâng cấp các công trình đầu mối cấp nước chính và xây dựng hệ thống đường ống truyền tải, phân phối, trạm bơm, bể chứa, công trình phụ trợ, hệ thống cấp nước chữa cháy.


Hình thành trung tâm điều khiển chiếu sáng tập trung cho toàn bộ các khu vực đô thị dể đảm bảo yêu cầu chiếu sáng đô thị; Ngầm hóa hệ thống đường dây và trạm điện đồng bộ, tiết kiệm quỹ đất và đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị; Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống trạm 500KV tại Thường Tín, Quốc Oai, Đông Anh, Đan Phượng và Hiệp Hòa – Bắc Giang và và trạm 220 kV tại Sóc Sơn, Mai Động, Chèm, Hà Đông, Xuân Mai…



(Ảnh: VuTuantv)


Cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước bẩn trong khu vực nội thành, các khu đô thị cũ; khu đô thị mới xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng có trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo hợp vệ sinh môi trường, có dây truyền công nghệ hiện đại, hợp khối, tiết kiệm quỹ đất và khoảng cách ly tối thiểu đến các khu ở. Khu vực nông thôn xây dựng hệ thống thoát nước chung, ưu tiên xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học. Các cơ sở y tế, công nghiệp phải thu gom nước thải riêng và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Đảm bảo tỷ lệ thu gom nước thải đạt 100%.


Xây dựng mới và mở rộng 12 khu xử lý chất thải rắn (CTR) tập trung có quy mô lớn tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sơn Tây và xây dựng mới khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh tại Lương Sơn. Vận động nhân dân tham gia phân loại rác thải từ nguồn đảm bảo tỷ lệ thu gom chất thải đô thị đạt 90-100%, vùng nông thôn đạt trên 85%. Các khu xử lý CTR có quy mô lớn chọn công nghệ hiện đại, tỷ lệ tái chế, đốt để sản xuất điện đạt 60-85%; chôn lấp hợp vệ sinh đạt 15 – 40%. Các khu xử lý quy mô nhỏ tại nông thôn sử dụng công nghệ chôn lấp và tái chế phục vụ nông nghiệp.


Đóng cửa các nghĩa trang: Vạn Phúc (Hà Đông); Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Mai Dịch 1, Yên Kỳ 1 và các nghĩa trang phân tán đã lấp đầy trong khu vực nội đô và trồng cây xanh cách ly đảm bảo môi trường cảnh quan. Nghĩa trang Văn Điển chỉ duy trì hỏa táng, cát táng. Mở rộng và xây dựng mới các nghĩa trang tập trung, kết hợp sử dụng nghĩa trang vùng thủ đô.


Hệ thống thông tin liên lạc xây dựng theo công nghệ mới, hiện đại, đảm bảo mạng diện rộng của Thành phố phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội – văn hoá và quản lý phát triển Thủ đô.


Để giảm thiểu ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn cần thiết lập hệ thống giao thông công cộng hiện đại kết hợp với sử dụng nhiên liệu sạch trong hoạt động giao thông; Di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành; Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong diện tích đất tự nhiên dành cho không gian xanh; kiểm soát môi trường đô thị và khu công nghiệp; Bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng đặc dụng, đất ngập nước: Khu vực Ba Vì, Đồng Mô, Suối Hai, Quan Sơn, Hồ Tây, Sóc Sơn, Hương Sơn. Kiểm soát ô nhiễm, giảm nhẹ tác động từ nông Kiểm soát môi trường nông thôn, làng nghề: khu vực Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên. Kiểm soát ô nhiễm, giảm nhẹ tác động do tái định cư, thay đổi sử dụng đất.



Bắt đầu từ tháng 8/2011, người dân được xem triển lãm Quy hoạch chung Hà Nội tại Cung triển lãm Quy hoạch Quốc gia – Mỹ Đình – Hà Nội (ảnh: Ashui.com)


Trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu trên toàn bộ địa bàn thành phố; quản lý việc đầu tư phát triển đô thị tuân thủ Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung được duyệt; phối hợp với các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị.


Chính phủ giao Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn thành phố. Phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Các Bộ, Ngành theo chức năng quy định triển khai thực hiện quy hoạch./.


Việt Khang (Ashui.com / tổng hợp)


09 6224 8830